Tội làm nhục người khác?

Trong cuộc sống, vì nhiều lý do, có thể là do ghen tuông, do mâu thuẫn, lời qua tiếng lại… mà có những người nhẫn tâm chà đạp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, làm nhục người khác.

Căn cứ pháp lý?

Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tội làm nhục người khác - Tư vấn, hỗ trợ pháp lý nhanh

Khái niệm “danh dự”, “nhân phẩm” và hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác?

Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành không giải thích rõ như thế nào là “danh dự”, “nhân phẩm”, tuy nhiên căn cứ vào khái niệm được thể hiện trong từ điển Tiếng Việt có thể hiểu:

“Danh dự” của một người được hiểu là giá trị của người đó (bao gồm cả giá trị đạo đức, và giá trị tinh thần) được nhìn nhận trên cơ sở sự coi trọng và cách nhìn nhận của xã hội, của cộng đồng. “Danh dự” được thừa nhận như một quyền nhân thân, thể hiện vai trò và uy tín của một cá nhân trong xã hội.

Còn “nhân phẩm” của một người được hiểu là phẩm chất và giá trị của một con người. Phẩm chất có thể hiểu như là những đức tính, những tính cách làm nên một người như thật thà, dũng cảm, nhiệt tình…; giá trị của một con người có thể được đánh giá là “cao thượng”, “hèn hạ”… “Nhân phẩm” cũng giống như “danh dự” đều được xác định là một trong những quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật bảo vệ.

“Danh dự”, “Nhân phẩm” là những giá trị nhân thân của một người được pháp luật bảo vệ. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 20, 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể: cá nhân khi phát hiện có thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín mình thì có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin này. Trường hợp, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của một người được đăng tải trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng thì có quyền yêu cầu gỡ bỏ, cải chính những thông tin này.

Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể những hành vi nào là xúc phạm, danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, có thể hiểu, khi một người có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác được hiểu là người đó đã có những lời nói, hoặc có những hành vi động chạm, tác động đến những giá trị đạo đức, uy tín, phẩm giá của một người, gây tổn thương cho người bị tác động.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm không chỉ làm tổn thương đến những giá trị về tinh thần, lòng tự tôn, tự trọng của người bị xúc phạm, khiến họ cảm thấy nhục nhã, tức giận, tủi hổ mà còn có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của những người khác đến người bị xúc phạm. Điều này dẫn đến những tổn thương về tâm lý của người bị xúc phạm khi tình trạng này diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài.

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi này, tùy vào từng hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ, một nhóm người do mâu thuẫn phát sinh trong quá trình làm việc nên nổi nóng, nhiều lần đánh, dúi đầu người A, chửi mắng người A này là “đồ sâu bọ”, “đồ con chó”, “đồ khốn nạn”, “đồ đàn bà”. Họ còn có hành vi uy hiếp bắt người này phải uống nước bẩn. Có thể thấy, nhóm người này đang xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người A, ảnh hưởng đến tinh thần của người A. Nhóm người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi này.

Quy định về Tội làm nhục người khác?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tội làm nhục người khác hiện nay được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo đó, nếu một người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của một người khác thì tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi, các tình tiết của vụ việc mà họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ và nặng nhất là có thể bị xử phạt đến 05 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Trên cơ sở quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 được xác định ở trên, có thể thấy, một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác nếu đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội này như sau:

Về mặt khách quan:

Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, như đã phân tích, được xác định là hành vi dùng lời nói, hành động tác động đến đến danh dự, nhân phẩm của một người, hạ thấp, chà đạp lên phẩm giá, giá trị của người khác.

Hành vi này có thể được thể hiện bằng lời nói như: thóa mạ, chửi bới một cách thậm tệ, thô tục, tục tĩu hoặc thể hiện bằng hành động mang tính chất bỉ ổi, hèn hạ, ví dụ như dúi đầu, bắt người khác liếm giày cho mình, ép người khác ăn cơm bị thiu… nhằm mục đích hạ nhục người này trước người khác, hạ thấp nhân cách, danh dự của người này.

Mặc dù hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác được diễn ra ở nhiều hình thái khác nhau, đối tượng tác động cũng như mức độ tác động đối với người bị xúc phạm có thể khác nhau, tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 thì chỉ có những hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác mà có tính chất “nghiêm trọng”. Tính chất “nghiêm trọng”, theo từ điển Tiếng Việt được hiểu là tính chất tồi tệ, xấu đến mức trầm trọng, có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại.

Do vậy, có thể hiểu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm được hiểu là những hành vi có tính chất xúc phạm rất lớn, có khả năng gây sát thương cao đối với danh dự, uy tín, lòng tự trọng, tự tôn, bản ngã của một người, có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước được, ví dụ làm người bị xúc phạm tức giận dẫn đến cố ý gây thương tích, hoặc tự sát, hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị xúc phạm.

Trên thực tế, có những lời nói, hành vi đối với người này mang ý nghĩa xúc phạm nhưng đối với người khác thì lại được đánh giá không hẳn là xúc phạm, xem xét như một lời nói như bình thường. Ví dụ, một người chửi mắng một người khác là “đồ chó, đồ con chó”. Có thể đối với người này, lời nói này đang xúc phạm khi so sánh họ như con vật nhỏ bé, hèn mọn, thường biểu hiện tính cách xấu xa, nhưng có thể với một người khác nó như là một lời nói đùa, thậm chí coi đó là một cách gọi “thân mật” của bạn bè.

Tuy nhiên, nhìn chung những lời nói, hay hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm mà có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác đều được đánh giá có tính chất xúc phạm với hầu hết người bị tác động và việc xúc phạm này khiến cho danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm bị hạ thấp, gây nên những tổn thương lớn đến tinh thần và cảm xúc của họ.

Do vậy, khi xem xét về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì cần phải xem xét đến mức độ thực hiện hành vi, phương thức thực hiện hành vi và mức độ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cũng như cuộc sống của người bị xúc phạm để xác định; đồng thời phải kết hợp với ý thức chủ quan của người phạm tội, các yếu tố về hoàn cảnh sống, địa vị, nhận thức của người bị hại cũng như đánh giá của cộng đồng, dư luận xã hội.

Về mặt chủ quan:

Mặt chủ quan của tội phạm được hiểu là những diễn biến về tâm lý, tinh thần bên trong của tội phạm như mục đích phạm tội, động cơ phạm tội, lỗi. Có thể thấy, trong Tội làm nhục người khác, người phạm tội đang thực hiện hành vi  xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác với lỗi cố ý, tức là hoàn toàn nhận thức được hậu quả của hành vi của mình đối với người bị tác động như thế nào nhưng vẫn cố tình thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra.

Động cơ phạm tội có thể xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, từ thù ghét cá nhân, do ngoại tình, tranh chấp nơi làm việc, trong cuộc sống.

Về khách thể:

Khách thể của Tội làm nhục người khác được xác định đó là “danh dự”, là “nhân phẩm” – những giá trị cao đẹp về nhân thân của một người, là cơ sở xác định nhân cách, phẩm giá của người đó.

Về chủ thể:

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có thể xác định, chủ thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác được xác định là những người đầy đủ năng lực hành vi dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Xem thêm…

Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi?

Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi?

Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người?

Phaplynhanh.vn  đang hỗ trợ cho người dân, doanh nhân và doanh nghiệp trên khắp cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật sư Hình sựLuật sư Hôn nhân Gia đìnhLuật sư Dân sựLuật sư Doanh NghiệpLuật sư Đất đaitư vấn ly hôn nhanhtư vấn luật thừa kế,… liên hệ với chúng tôi qua thông tin tại Website, Hotline: 0907520537 hoặc Fanpage: Pháp lý nhanh.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *