Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Cùng Pháp lý nhanh tìm hiểu Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thêm qua bài viết dưới đây:

Tôn trọng quyền tự định đoạt của vợ, chồng

Một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo hộ là quyền tự định đoạt, theo quy định tại điều 5 bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì quyền tự định đoạt là nguyên tắc thông suốt của tố tụng dân sự. Vì vậy, để giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn cũng phải được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của vợ và chồng đối với tài sản. Theo quy định tại khoản 1 điều 59 luật hôn nhân và gia đình 2014 thì “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận…. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó;…” .

Nguyên tắc này thể hiện rõ nhất quyền tự do cam kết thỏa thuận, tôn trọng ý chí tự nguyện, tự quyết định của vợ và chồng trên cơ sở không làm trái đạo đức và trái pháp luật. Nếu lựa chọn thỏa thuận thì các bên có thể trình bày về tâm tư, nguyện vọng của bản thân mình cũng như sau khi ly hôn những khó khăn gặp phải là gì. Qua đó, Thẩm phán sẽ tiến hành hòa giải và thống nhất ý chí của các bên trong việc phân chia tài sản, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của con cái. Việc hai bên cùng thống nhất thỏa thuận sẽ góp phần làm giảm bớt các thủ tục, thời gian công sức,… Của các bên có liên quan, tạo điều kiện cho việc thi hành bản án.

Nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn - Pháp lý nhanh

Bình đẳng về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng

Dựa trên nguyên tắc vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc hưởng các quyền dân sự nói chung theo quy định tại bộ luật dân sự và quyền sở hữu tài sản nói riêng. Trong trường hợp không có thỏa thuận phân chia tài sản, khi ly hôn tranh chấp liên quan đến tài sản chung được thực hiện trên nguyên tắc chia đôi tài sản. Theo quy định thì tài sản do vợ, chồng tạo ra hay chỉ một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung, vì vậy khi ly hôn tài sản chung của vợ và chồng phải được chia đôi để đảm bảo sự bình đẳng trong mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, khi áp dụng nguyên tắc phải linh hoạt, phù hợp với thực tế phù hợp với hoàn cảnh thực tế, để đảm bảo việc phân chia được công bằng. Theo quy định tại khoản 2 điều 59 luật hôn nhân và gia đình tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

Thứ nhất, hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng có thể hiểu là tình trạng về năng lực pháp luật,   hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định. Khi ly hôn bên nào gặp khó khăn hơn sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn hoặc ưu tiên lựa chọn tài sản để bảo đảm duy trì cuộc sống ổn định của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Thứ hai, sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, sự đóng góp đó có thể được thể hiện trực tiếp bằng sức lao động, tài sản mà người đó bỏ ra để tạo nên tài sản chung của vợ chồng, như việc dùng tài sản riêng để sửa chữa, cải tạo, tu bổ làm tăng giá trị của tài sản chung, tài sản riêng đem nhập vào tài sản chung…

Thứ ba, “bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập”  được hiểu là khi chia tài sản chung của vợ chồng  vẫn phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề, tiếp tục được sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như: Vợ và chồng có tài sản chung là một chiếc ôtô trị giá 1 tỷ đồng do người chồng đang kinh doanh taxi, cùng với một cửa hàng tạp hóa trị giá 600 triệu đồng do vợ quản lý. Khi giải quyết ly hôn và tài sản chung, tòa án phải xem xét giao cửa hàng cho người vợ, giao ôtô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng được nhận phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho vợ thêm 200 triệu đồng.

Thứ tư, lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản mà các lỗi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét, phân chia tài sản, nếu một bên có lỗi nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì không xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Ví dụ, nếu người chồng có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình thì khi tiến hành điều tra, xét xử tòa án phải xem xét yếu tố này để khi chia tài sản chung để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

Đối với tài sản riêng của vợ hoặc của chồng sẽ thuộc về người đó, mà không được chia cho người còn lại trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận sẽ chia tài sản này. Thông qua các yếu tố trên, việc giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản sẽ được xử lý một cách hợp lý, phù hợp theo quy định của pháp luật và đảm bảo các quyền và lợi ích của các bên.

Tài sản riêng vợ chồng 1 - Pháp lý nhanh

Bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động

Nguyên tắc này bảo đảm quyền lợi của người vợ sau khi ly hôn và con chưa thành niên hay con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động sẽ có điều kiện sống tốt hơn, giảm thiểu khả năng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vật chất sau khi ly hôn. Họ là những đối tượng dễ bị xâm hại, dễ tổn thương nên pháp luật đã tạo điều kiện để bảo vệ, người vợ sẽ có những hạn chế nhất định về sức khỏe, việc làm,… họ là những người yếu thế dễ gánh chịu những thiệt thòi trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Đối với con chưa thành niên hay con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động không có khả năng lao động, chưa phát triển toàn diện hay có những hạn chế về thể chất và tinh thần, nên khả năng lao động hạn chế, cần được quan tâm, chăm sóc.

Chính vì vậy, khi giải quyết ly hôn, pháp luật đã có những quy định để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể nói trên, đối với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hay bị mất năng lực dân sự, bị tàn tật sẽ được giao cho cha hoặc mẹ  có trách nhiệm trực tiếp trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục. Vợ hoặc chồng người không chung sống cùng người con đó sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại khoản 2 điều 82 luật hôn nhân và gia đình 2014 “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con” . Để đảm bảo, duy trì cuộc sống của các chủ thể nói trên việc giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn sẽ được xem xét tạo điều kiện cho vợ và các con. Việc đảm bảo nguyên tắc này được thực hiện sẽ hạn chế những khó khăn sẽ gặp phải sau khi ly hôn.

Nguyên tắc chia tài sản bằng hiện vật hoặc chia theo giá trị được hưởng

Trong thời kỳ hôn nhân tài sản chung được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau như: tiền, động sản, bất động sản, quyền tài sản và các giấy tờ có giá trị khá,… Do đó, khi giải quyết việc phân chia tài sản chung cho vợ và chồng Toà án có quyền phân chia tài sản bằng hiện vật hoặc theo giá trị phụ thuộc vào yêu cầu của các bên và điều kiện thực tiễn.

Nêu tài sản chung của vợ, chồng là động sản hay bất động sản có thể chia bằng hiện vật hoặc căn cứ theo khoản 3 điều 59 luật hôn nhân và gia đình 2014 “Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch”  để chia theo giá trị, giá trị tài sản có thể theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật để định giá tài sản.

Những nguyên tắc nêu trên là những định hướng mà khi giải quyết tranh chấp Tòa án cần phải tuân thủ. Việc giải quyết tài sản của vợ, chồng khi ly hôn sẽ ưu tiên giải quyết theo hướng thoả thuận giữa các bên, nếu các bên không có thỏa thuận nào giữa các bên thì sẽ áp dụng nguyên tắc chia đôi và xem xét đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp, cũng như các điều kiện để đảm bảo tính công bằng của các chủ thể có liên quan. Các nguyên tắc này sẽ tạo điều kiện cho Thẩm phán nhằm đáp ứng nhu cầu, thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết tham khảo của Pháp lý nhanh về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản có liên quan. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Ngoài ra quý khách hàng cần hỗ trợ tư vấn xin vui lòng liên hệ phaplynhanh.vn . Pháp lý nhanh hiện đang hỗ trợ cho người dân, doanh nhân và doanh nghiệp trên khắp cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật sư Hình sựLuật sư Hôn nhân Gia đìnhLuật sư Dân sựLuật sư Doanh NghiệpLuật sư Đất đai…..tư vấn ly hôn nhanhtư vấn luật thừa kếluật sư Hình sự giỏi…..vui lòng liên hệ với chúng tôi qua thông tin tại Website, Hotline: 0907520537 hoặc Fanpage: Pháp lý nhanh.VN

 

Để lại một bình luận