Quy định của pháp luật về việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới?

Trong nhiều trường hợp trên thực tế, khi các chủ thể đã tiến hành phân chia xong di sản thì lại có người thừa kế mới xuất hiện. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới? Cùng Luật sư ADB Saigon tìm hiểu thêm về việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 qua bài viết dưới đây:

Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự 2015

Người thừa kế mới

Người thừa kế mới được hiểu là nhưng người thừa kế của người để lại di sản xuất hiện sau khi di sản đã được phân chia (đối với phần di sản được giải quyết theo pháp luật), bao gồm nhũng người sau đây:

– Con của người để lại di sản sinh ra và còn sống sau thời điểm di sản thừa kế được phân chia (trong trường hợp thai đôi, thai ba… nhưng thời điểm phân chia di sản chỉ xác định thai một).

– Người được tòa án xác nhận là con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản nhưng quyết định hoặc bản án của tòa án có hiệu lực sau thời điểm phân chia di sản.

– Con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản đã bị tòa án tuyên bố là đã chết trước thời điểm người để lại chết có tin tức xác thực là còn sống hoặc đã trở về sau thời điểm phân chia di sản.

Nếu di sản được chia cho hàng thừa kế thứ hai và thứ ba, thì người thừa kế mới ở các hàng thừa kế này được xác định như trên.

Phân chia di sản trường hợp có người thừa kế mới-Hỗ trợ tư vấn pháp lý nhanh

Phân chia di sản khi có người thừa kế mới

Căn cứ tại khoản 1 Điều 687 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Quy định này tạo sự dễ dàng, thuận lợi trong việc phân chia di sản thừa kế khi người thừa kế mới xuất hiện sau thời điểm phân chia di sản thừa kế. Trên thực tế có nhiều trường hợp, các hiện vật đã phân chia cho người thừa kế, nếu yêu cầu chia lại sẽ rất phức tạp và khó thực hiện.

Việc thỏa thuận giữa người thừa kế mới và những người thừa kế khác sẽ được ghi thành văn bản theo các căn cứ và nguyên tắc luật định.

Thời hiệu khởi kiện về thừa kế, theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế…”. Như vậy, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết) người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền của người khác.

Vì thế đối với các trường hợp người thừa kế mới là con hoặc cha mẹ của người để lại di sản nhưng được tòa án quyết định sau thời điểm phân chia di sản hoặc con, cha, mẹ của người để lại di sản trở lại sau thời điểm phân chia di sản thì phải căn cứ vào thời hiệu khởi kiện thừa kế để nếu có tranh chấp xảy ra thì vẫn được hưởng di sản thừa kế của mình.

Trên đây là bài viết tham khảo của Luật sư ADB SAIGON về việc phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Luật sư ADB SAIGON luôn sẵn sàng tư vấn pháp lý miễn phí (qua điện thoại 0907520537tư vấn trực tiếp, qua zalofanpage…) về tất cả các thắc mắc nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật sư Hình sựLuật sư Hôn nhân Gia đìnhLuật sư Dân sựLuật sư Doanh Nghiệp, Luật sư Kinh doanh Thương mại, Luật sư Đất đai

Để lại một bình luận