Phân biệt giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật?

Thừa kế là một quan hệ của pháp luật dân sự. Với quan hệ này, các chủ thể sẽ có quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong đó, người có tài sản là người để lại thừa kế; trước khi chết, họ có quyền để lại tài sản của mình cho những người còn sống khác. Người thừa kế là người được nhận di sản của người chết dịch chuyển cho mình theo ý chí của họ hoặc theo pháp luật. Vậy việc thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật có điểm gì khác nhau?

Cùng Luật sư ADB Saigon phân biệt giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 qua bài viết dưới đây:

Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Dân sự 2015

Phân biệt giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật

Thừa kế được hiểu là sự chuyển giao di sản của người đã chết cho người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành, thừa kế được chia thành 2 hình thức là:

– Thừa kế theo pháp luật

– Thừa kế theo di chúc

Vậy, thừa kế trong mỗi trường hợp này khác nhau như thế nào?

Phân biệt giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật-Hỗ trợ tư vấn pháp lý nhanh

Tiêu chíThừa kế theo di chúcThừa kế theo pháp luật
Khái niệm

Thừa kế theo di chúc là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

 

Trường hợp áp dụng

Được áp dụng khi cá nhân trước khi mất có lập di chúc hợp pháp kể từ thời điểm mở thừa kế.(Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này). Theo đó, sẽ áp dụng theo ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc.

Được áp dụng trong trường hợp sau đây:

– Không có di chúc;

– Di chúc không hợp pháp;

– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

– Phần di sản có liên quan đến người thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Người lập di chúc

– Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật Dân sự 2015 có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình (Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép).

– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Pháp luật quy định về các vấn đề liên quan đến thừa kế (người thừa kế theo pháp luật, cách chia thừa kế,…) khi người chết không để lại di chúc hoặc những trường hợp khác mà di chúc không thể được tiến hành.

Người thừa kế

Bất kỳ chủ thể nào mà người lập di chúc có ý nguyện để định đoạt di sản của mình cho chủ thể đó. (trừ trường hợp thuộc những người không được quyền hưởng di sản được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015).

Tuy nhiên, trong trường hợp nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên; con đã thành niên mà không có khả năng lao động nếu không có tên trong di chúc thì vẫn được hưởng một phần di sản tối thiểu bằng 2/3 một suất thừa kế.

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Hình thức

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản giữa các đồng thừa kế theo quy định.

Trường hợp không thống nhất thỏa thuận mà xảy ra tranh chấp sẽ thực hiện theo bản án hoặc quyết định của Tòa án.

Thừa kế thế vị

Không quy định

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Cách phân chia di sản

– Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phan chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

– Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

– Những người thừa kế có quyền yêu cầu có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Trách nhiệm của người nhận thừa kế

Về nguyên tắc chung thì trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tuy nhiên, đối với thừa kế theo di chúc có một trường hợp ngoại lệ, đó là với trường hợp ngoại lệ, đó là đối với trường hợp di tặng thì: Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Trên đây là bài viết tham khảo của Luật sư ADB SAIGON về phân biệt giữa thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Luật sư ADB SAIGON luôn sẵn sàng tư vấn pháp lý miễn phí (qua điện thoại 0907520537tư vấn trực tiếp, qua zalofanpage…) về tất cả các thắc mắc nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật sư Hình sựLuật sư Hôn nhân Gia đìnhLuật sư Dân sựLuật sư Doanh Nghiệp, Luật sư Kinh doanh Thương mại, Luật sư Đất đai

Để lại một bình luận