Năng lực hành vi dân sự luôn được xem là một trong những điều kiện cơ bản cần có để một giao dịch dân sự được xác lập và có hiệu lực. Vậy Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự như thế nào? Pháp luật quy định có bao nhiêu mức độ của năng lực hành vi dân sự ? Cùng Luật sư ADB Saigon tìm hiểu thêm năng lực hành vi dân sự và các mức độ của nó qua bài viết dưới đây :
Mục lục bài viết
Khái niệm về năng lực hành vi dân sự?
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân tại điều 19 như sau:
“Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Hành vi của cá nhân ở đây có thể hiểu là những hành động, cử chỉ, lời nói,… của một người và tùy thuộc vào khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, độ tuổi của người đó mà thông qua hành vi của họ sẽ xác định được năng lực hành vi dân sự của họ như thế nào, đang ở mức độ nào. Từ đó làm căn cứ và là điều kiện để xác lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.
Tư cách của một chủ thể là cá nhân chỉ đầy đủ, hoàn thiện, độc lập khi họ có đủ năng lực hành vi dân sự, ngoài năng lực pháp luật dân sự vốn là thuộc tính được pháp luật ghi nhận cho mọi cá nhân.Pháp luật dân sự quy định mọi người khi đủ 18 tuổi trở lên đều là những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và chịu trách nhiệm với các hành vi do mình xác lập thực hiện.
Trừ trường hợp một người không có đủ năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người đó bị khó khăn về nhận thức mà không điều khiển được các hành vi của mình gây ra thì pháp luật có những quy định khác.
Các mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị tuyên bố mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Bộ luật Dân sự 2015 chỉ quy định về độ tuổi tối thiểu phát sinh năng lực hành vi dân sự đầy đủ của một chủ thể mà không quy định về độ tuổi tối đa. Những người này có đầy đủ tư cách chủ thể, toàn quyền tham gia vào quan hệ dân sự với tư cách là chủ thể độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do họ thực hiện.
Những người từ đủ 18 tuổi trở lên được suy đoán là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Họ chỉ bị mất năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi khi có quyết định của toà án về việc hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
Tóm lại, những người từ đủ từ mười tám tuổi trở lên đều là những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nếu không thuộc các trường hợp của pháp luật quy định khi có quyết định của tòa án về việc họ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự mà tự mình không thể thực hiện giao dịch dân sự.
Năng lực hành vi dân sự một phần
Người có năng lực hành vi một phần (không đầy đủ) là những người chỉ có thể xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong một giới hạn nhất định do pháp luật dân sự quy định.
Điều 21, Bộ luật Dân sự 2015, quy định về người chưa thành niên như sau:
“Điều 21. Người chưa thành niên
- Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”
Theo quy định trên, ta có thể hiểu rằng, cá nhân dưới 18 tuổi là những nguời có năng lực hành vi dân sự một phần. Các đối tượng này có thể bằng hành vi của mình tạo ra quyền và phải chịu những nghĩa vụ khi tham gia các giao dịch để thoả mãn những nhu cầu thiết yếu hàng ngày phù họp với lứa tuổi.
Tuy pháp luật không quy định những giao dịch nào là giao dịch “phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày” và “phù hợp với lứa tuổi” nhưng có thể hiểu đó là những giao dịch có giá trị nhỏ, phục vụ những nhu cầu học tập, vui chơi.
Các giao dịch dân sự mà những cá nhân này xác lập mà không có sự đồng ý của người giám hộ thì có thể bị người giám hộ yêu cầu Tòa án tuyên bố là giao dịch dân sự vô hiệu và Toà án xem xét trong những trường hợp cụ thể để chấp nhận yêu cầu đó theo quy định tại Điều 125 BLDS năm 2015.
Trường hợp chưa phát sinh năng lực hành vi dân sự
Căn cứ tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện”.
Dựa theo quy định trên thì người dưới 06 tuổi được xác định là người không có năng lực hành vi dân sự, bởi vì ở độ tuổi này đứa trẻ chưa phát triển toàn diện, chưa đủ ý chí cũng như nhận thức để hiểu được hành vi của mình và hậu quả của những hành vi đó. Vậy nên, trường hợp người dưới 06 tuổi muốn thực hiện giao dịch dân sự thì người đại diện theo pháp luật của người đó sẽ đứng ra để xác lập, thực hiện giao dịch thay cho họ. Những người này có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em,…
Trường hợp mất năng lực hành vi dân sự
Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
- Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
- Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Sau khi một người có các dấu hiệu rối loạn về nhận thức và không thể điều khiển các hành vi của mình gây ra có thể ảnh hưởng đến các hành vi, suy nghĩ của cá nhân này có thể gây ra các thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phát triển kinh tế thì theo yêu cầu của người đại diện hoặc những người có quyền và lợi ích liên quan thì sau khi có kết luận của cơ quan giám định pháp y tâm thần mà trên cơ sở đó thì tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự (người đó khôi phục năng lực hành vi dân sự) thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
Lúc này, giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
Trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự
Căn cứ theo Điều 24 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự
- Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
- Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
- Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nhưng họ tự hạn chế năng lực hành vi dân sự của mình như là do họ nghiện ma túy đá, thuốc lắc, heroin, nghiện các chất kích thích như rượu, bia…dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.
Nếu người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan có yêu cầu thì Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố một người là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.
Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Khi những người này đã khôi phục được năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể yêu cầu tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định trước đó đã tuyên là người đó bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nếu không còn căn cứ nào nữa để tuyên người đó bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Điều 23 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:
“Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
- Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
- Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.”
Như vậy, khác với người mất năng lực hành vi dân sự, tuy cũng cùng là căn cứ trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần nhưng Tòa án sẽ căn cứ vào khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của từng người mà tuyên bố rằng người đó bị mất năng lực hành vi dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trên đây là bài viết tham khảo của Luật sư ADB SAIGON về Năng lực hành vi dân sự và các mức độ cúa năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thông tin tư vấn pháp luật hình sự hoặc cần luật sư tư vấn ly hôn nhanh, thủ tục khai nhận di sản thừa kế… có thể liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0907 520 537, qua zalo hoặc nhắn tin qua Fanpage: https://www.facebook.com/luatsutaibinhduong
THÔNG TIN VỀ CHÚNG TÔI:
Trụ sở chính: CÔNG TY LUẬT TNHH ADB SAIGON 25 Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Chi nhánh Bình Dương: CÔNG TY LUẬT TNHH ADB SAIGON – CHI NHÁNH BÌNH DƯƠNG 569 Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Điện thoại: 0377.377.877 – 0907.520.537 (Zalo)– 0855.017.017 (Hôn nhân) - 0786.085.085 (Doanh nghiệp)- 0907 520 537 (Tố tụng) Website: adbsaigon.com – luatbinhduong.com; Email: info@adbsaigon.com