Đại diện là việc một người, một cơ quan, tổ chức nhân danh người, cơ quan, tổ chức khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lí trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Vậy vấn đề này được quy định chi tiết như thế nào? Có những hình thức đại diện nào theo quy định của pháp luật? Cùng Luật sư ADB Saigon tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015
Đại diện là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau
“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”
Theo đó, đại diện là việc một chủ thể có thể là pháp nhân hoặc cá nhân nhân danh và vì lợi ích của chủ thể một chủ thể khác là cá nhân hoặc pháp nhân tham gia, xác lập, thực hiện hiệc các giao dịch dân sự.
Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập thực hiện các giao dịch thông qua người đại diện của mình trong một số trường hợp theo luật quy định. Ngược lại các bên không được áp dụng chế định đại diện nếu pháp luật quy định cá nhân không được để người khác đại diện cho mình và họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. (khoản 2 Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015)
Ví dụ: Điều 87 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về các trường hợp không thể là người đại diện:
“1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.
Ngoài ra, trong trường hợp nếu pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện. (khoản 3 Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015)
Các hình thức đại diện theo quy định pháp luật
Đại diện theo pháp luật
Đại diện theo pháp luật cúa cá nhân
Theo quy định tại điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm những người sau đây:
- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
- Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
- Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều 136 Bộ luật Dân sự 2015.
- Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Đại diện theo pháp luật cúa pháp nhân
Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm những người sau đây:
- Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
- Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
- Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Lưu ý: Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.
Đại diện theo ủy quyền
Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người đại diện theo ủy quyền bao gồm những người sau đây:
- Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
- Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Trên đây là bài viết tham khảo của Luật sư ADB SAIGON về Đại diện và các hình thức của đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Luật sư ADB SAIGON luôn sẵn sàng tư vấn pháp lý miễn phí (qua điện thoại 0907520537, tư vấn trực tiếp, qua zalo, fanpage…) về tất cả các thắc mắc nhiều lĩnh vực khác nhau như Luật sư Hình sự, Luật sư Hôn nhân Gia đình, Luật sư Dân sự, Luật sư Doanh Nghiệp, Luật sư Đất đai…
THÔNG TIN VỀ CHÚNG TÔI:
Trụ sở chính: CÔNG TY LUẬT TNHH ADB SAIGON25 Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.Chi nhánh Bình Dương: CÔNG TY LUẬT TNHH ADB SAIGON – CHI NHÁNH BÌNH DƯƠNG569 Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.Điện thoại: 0377.377.877 – 0907.520.537 (Zalo)– 0855.017.017 (Hôn nhân) - 0786.085.085 (Doanh nghiệp)- 0907 520 537 (Tố tụng)Website: adbsaigon.com – luatbinhduong.com; Email: info@adbsaigon.com