Di sản thừa kế là gì? Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thế nào về cách xác định di sản thừa kế?

Khái niệm di sản thừa kế chưa được văn bản pháp luật nào đưa ra cụ thể mà hầu hết chỉ được nêu ra với cách liệt kê để xác định di sản gồm những tài sản nào. Khái niệm này đã được một số nhà khoa học đưa ra khi nghiên cứu pháp luật về thừa kế trên cơ sở một số phương diện nhất định.

Vì vậy, hãy cùng Luật sư ADB Saigon tìm hiểu thêm về di sản thừa kế và cách xác định di sản thừa kế theo quy định của pháp luật qua bài viết dưới đây:

Cơ sở pháp lý

Bô luật dân sự năm 2015

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Di sản thừa kế là gì?

Theo giải thích của Từ điển tiếng Việt, di sản là tài sản của người chết để lại. Pháp luật dân sự của nước ta từ trước đến nay chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm di sản mà chỉ trực tiếp hoặc gián tiếp quy định về thành phần của di sản. Theo đó, Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Tuy nhiên, di sản và di sản thừa kế là hai thuật ngữ pháp lý hoàn toàn khác nhau, nếu như di sản là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người chết để lại thì di sản thừa kế là phần tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người chết để lại sau khi đã thanh toán các nghĩa vụ về tài sản của người đó để lại và chi phí liên quan đến thừa kế.

Như vậy, di sản thừa kế là phần di sản còn lại sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại và trừ đi các khoản chi phí liên quan đến thừa kế, như chi phí mai táng, chi phí quản lý di sản,…

di san thua ke la gi-Ho tro phap ly nhanh

Đặc trưng của di sản thừa kế

Theo nguyên tắc một người còn sống sẽ xác lập các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ pháp luật về sở hữu đối với các loại tài sản. Còn di sản thừa kế lại có tính đặc thù của nó, chỉ phát sinh khi có cái chết của một người nào đấy. Vì vậy tại thời điểm đó sẽ phát sinh thừa kế và các quan hệ thừa kế đối với di sản. Việc xác định thời điểm mở thừa kế có ý nghĩa quan trọng để xác định được tài sản, quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản. Đây cũng là điểm mấu chốt để nhận biết sự khác nhau giữa di sản và tài sản. Trước khi 1 người chết thì được gọi là tài sản nhưng sau khi mất thì được chuyển thành di sản. Di sản đó phải còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế, nếu không thì sẽ coi như người chết không để lại di sản. Tài sản đó phải là tài sản được phép lưu thông dân sự. Hay nói cách khác, những tài sản đó phải là tài sản hợp pháp.

Cách xác định di sản thừa kế theo quy định của pháp luật

Di sản là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người chết, bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác

Di sản thừa kế là tài sản riêng của người chết

Di sản riêng của người chết được hiểu là toàn bộ tài sản thuộc sở hữu cá nhân của người đó. Tài sản riêng của người chết bao gồm các tài sản của người chết có trước thời kỳ hôn nhân, tài sản được tặng cho riêng thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ chồng trong trường hợp vợ chồng trước đó đã thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng (Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014).

Di sản thừa kế là tài sản của người chết trong khối tài sản chung với chủ thể khác

Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, có thể là tài sản của người chết trong khối tài sản thuộc sở hữu chung theo phần với người khác hay tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. Tài sản chung theo phần với người khác có thể là tài sản được tặng cho chung tài sản được thừa kế chung hoặc do cùng góp vốn để sản xuất, kinh doanh, phần vốn góp trong các doanh nghiệp,… Do đó, khi một trong các đồng sở hữu chết thì phần tài sản thuộc sở hữu của người đó trong khối tài sản chung được xác định là di sản của người đó.

Tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất có thể phân chia (xem Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015), theo đó, khi một bên vợ  hoặc chồng chết trước thì một nửa khối tài sản chung của vợ chồng được xác định là di sản của người chết (khoản 2 Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014). Nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại là những nghĩa vụ về tài sản của người chết được hình thành khi người đó còn sống nhưng chưa thực hiện hoặc đang thực hiện thì chết, bao gồm: tiền cấp dưỡng còn thiếu, tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ, tiền công lao động, tiền bồi thường thiệt hại, thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước, tiền phạt, các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác.

Trên đây là bài viết tham khảo của Luật sư ADB SAIGON về Di sản thừa kế và cách xác định di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu thông tin tư vấn pháp luật hình sự hoặc cần luật sư tư vấn ly hôn nhanhthủ tục khai nhận di sản thừa kế… có thể liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0907 520 537, qua zalo hoặc nhắn tin qua Fanpage: https://www.facebook.com/luatsutaibinhduong

Để lại một bình luận